VỀ ĐẮC TÔI NGHE GIÀ CHỜ RUM NHIẾR CHƠI JƯL

     Trải qua bao mùa con ong đi lấy mật, đồng bào dân tộc Tà Riềng thôn Đắc Tà Vâng, xã Đắc Tôi dần đã quen thuộc với tiếng Jưl của già Chờ Rum Nhiếr vang lên trong ngôi nhà sàn nhỏ của ông vào mỗi sáng sớm mai. Những âm thanh, giai điệu sâu lắng của Jưl như đã giúp người Tà Riềng chia sẻ vui những buồn vui, từ đó tìm thấy những giá trị của cuộc sống, quên đi mệt mỏi sau một ngày làm lụng trên nương rẫy.

     Già Chờ Rum Nhiếr, đang chơi Jưl –loại nhạc cụ truyền thống của người Tà Riềng.

     Trong ngôi nhà sàn rộng chừng khoảng 50m2, vào loại truyền thống và đẹp nhất của người Tà Riềng còn sót lại trên vùng biên giáp nước bạn Lào nằm khuất trong một khu rừng đầy ắp tiếng chim hót, với suối róc rách và nắng gió của núi rừng Trường Sơn. Có dịp ngồi cùng già Chờ Rum Nhiếr (80 tuổi) với làn da ngăm đen, chất phác của người Tà Riềng, chúng tôi nhìn quanh tài sản chẳng có gì đáng giá ngoài nhạc cụ Jưl cùng nhiều bằng khen của Ngành Văn hóa-Thông tin huyện Nam Giang tặng già Nhiếr treo trên vách nhà sàn. Sau khi mời khách với ly rượu tà vạt nồng ấm để xua đi với cái lạnh vùng cao, rồi già Nhiếr cầm Jưl, vừa đàn vừa hát tặng khách bài dân ca của dân tộc Tà Riềng, trong đó có đoạn: “Em hát dưới cây Nêu/ Giọng em bay cao hơn tiếng chim/ Dưới cây Nêu em hát/ Anh nghe như uống rượu tà vạt say/ Ngày mai làm sao đi tìm em. Hơ hơ...”. Và rồi, sau khi uống cạn ly rượu tà vạt như chạm vào trong tâm thức già Nhiếr như sực nhớ, kể tiếp: Jưl của của dân tộc Tà Riềng do già tự tay làm đó. Jưl này, đã đi cùng với già hơn 60 mùa rẫy rồi! Jưl được làm từ loại gỗ cây lung và có một cần đàn với các phím đàn. Dù đã cũ, nhưng nó vẫn còn đánh hay lắm. Già thường đem Jưl ra chơi vào sáng sớm tinh mơ, khi màn sương còn giăng trên đỉnh núi như để hoài niệm và nhớ về hồi làng Đắc Tà Vâng còn ở trên núi cao kia.

     Ngồi được nghe già Nhiếr đánh Jưl. Thấy tôi chăm chú nhìn Jưl, như giải tỏa sự tò mò, già Nhiếr bảo: Mỗi khi tôi cầm Jưl chơi, ai cũng cho đây là loại nhạc cụ tựa giống đàn mandoline. Nhưng mandoline theo già Nhiếr, thì nó có rất nhiều dây. Còn Jưl của người Tà Riềng, là loại nhạc cụ chỉ có 2 dây bằng loại dây rừng. Nếu không được già Nhiếr giải thích, thì chắc chắn chúng tôi không thể hình dung đó chính là Jưl của người Tà Riềng, mà còn nhầm lẫn với đàn mandoline.

    Già Chờ Rum Nhiếr thôn Đắc Tà Vâng, xã Đắc Tôi đang trao đổi với tác giả về thăng trầm đàn Jưl của người Tà Riềng.

     Tìm hiểu thêm vì sao già Nhiếr lại yêu thích Jưl, chúng tôi được biết thêm: Thời nhỏ, mỗi khi trong làng có lễ hội, lễ tết diễn ra, già Nhiếr lại cùng lũ trẻ chạy theo các già làng để xem họ đánh nhạc cụ. Những ngày tháng ấy, do chưa đến tuổi được sử dụng nhạc cụ nên ông chỉ có thể ngồi nghe và quan sát các người lớn tuổi trong làng chơi Jưl. Năm 12 tuổi, già Nhiếr bắt đầu theo chân những anh trong làng lên rừng, lên rẫy, chỉ để mượn Jưl tập tành đánh thử. Đến năm 20 tuổi, già Nhiếr đã thành thạo hơn với Jưl. Và rồi, già Nhiếr mê mẩn với những âm thanh độc đáo này của Jưl lúc nào không hay.

     Mặc dù đã hơn 80 tuổi, nhưng nhờ đôi mắt tinh tường và đôi tay nhanh nhẹn đánh Jưl. Ngồi và nghe già Nhiếr biểu diễn Jưl; nó phát ra âm thanh bằng cách gảy dây đàn, cho âm thanh có âm sắc cao. Jưl của người Tà Riềng không ồn ào như một số nhạc cụ khác của các dân tộc trên vùng Trường Sơn – Tây Nguyên hay nhạc cụ hiện đại khác mà chúng tôi thường nghe thấy. Jưl là tiếng lòng thật thà mà chất phác như cái bụng của người Tà Riềng trên vùng cao Đắc Tôi. Nhìn già Nhiếr say mê Jưl và già cất lên lần lượt những bài dân ca Tà Riềng, làm chúng tôi mới cảm nhận được thanh âm của Jưl và chính nó khiến chúng tôi hiểu vì sao già Nhiếr lại yêu đời đến thế. Phải chăng, tiếng Jưl giúp già Nhiếr lưu giữ nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình có tự ngàn đời và là món ăn tinh thần của đồng bào Tà Riềng khi vào mùa lễ hội ăn mừng lúa mới, ăn mừng được mùa hay mừng nhà mới, cùng niềm vui hội hè, lao động và cả trong cuộc sống thường ngày. Nhắc đến kho tàng nhạc cụ của dân tộc Giẻ Triêng nói chung, tộc người Tà Riềng trên vùng biên Nam Giang (Quảng Nam) nói riêng; có lẽ không thể thiếu Jưl. Già Nhiếr bảo: Hiện nay, Nhà nước, ngành Văn hóa đã có chủ trương, chính sách để gìn giữ, bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số Quảng Nam, trong đó có đồng bào Tà Riềng, già rất lấy làm phấn khởi.

       Anh Tơngôl Phúc – Trưởng ban văn hóa xã Đắc Tôi cho biết: Đã có thời gian, mặc dù Jưl không còn sử dụng nhiều như trước, nhưng Jưl lại được già Nhiếr rất yêu thích, không chỉ bởi sự độc đáo mà nó còn là nhạc cụ gắn liền với tuổi thơ của già Nhiếr. Già Nhiếr tình nguyện mở lớp dạy Jưl và dạy những làn điệu dân ca Tà Riềng cho lớp trẻ trong thôn, trong xã tiếp thêm năng lượng giúp các em hiểu hơn về truyền thống của dân tộc trên con đường bảo tồn và phát huy bản sắc và giá trị văn hóa Tà Riềng. Không chỉ biểu diễn giỏi Jưl, già Chờ Rum Nhiếr còn rất tích cực tham gia các hoạt động phong trào văn hóa, văn nghệ tại địa phương. Già Chờ Rum Nhiếr, còn được người dân tin tưởng bầu làm Người có uy tín trong thôn Đắc Tà Vâng từ năm 2011 (khi xã Đắc Tôi tách ra thành đơn vị hành chính từ xã La Dê (cũ) đến nay.

     Hằng ngày, già Chờ Rum Nhiếr truyền dạy Jưl cho những người con Tà Riềng trong thôn đến học đàn.

     Chia tay già Chờ Rum Nhiếr, khi trên những thửa rẫy cao của người Tà Riềng đang ngập tràn trong mùa thu hoạch lúa mùa bội thu, no đủ. Có lẽ, cũng không thể nào thiếu được âm thanh rộn ràng của tiếng cồng, tiếng chiêng và tiếng Jưl vào những đêm hội Choóc đăil, lễ ăn mừng lúa mới, ngày hội ăn mừng được mùa lúa rẫy; bởi bản sắc văn hóa dân tộc Tà Riềng là giá trị trường tồn cùng thời gian; góp phần cho sự bảo tồn, kế thừa và phát huy những giá trị tinh túy ấy của nền văn hóa truyền thống trong đời sống cộng đồng các dân tộc trên vùng Trường Sơn./.

Thư viện video
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 6
  • Hôm nay: 15
  • Trong tuần: 0
  • Tháng hiện tại: 0
  • Tổng lượt truy cập: 2334