ĐẮC TÔI, VÙNG ĐẤT CỦA TƯỢNG GỖ DÂN GIAN

     Tháng 8, trời vùng cao Nam Giang đang là cao điểm của mùa nắng nóng miền Trung, nhưng bên trong ngôi nhà làng truyền thống (Su moong) của người Tà Riềng thôn Đắc Rích (xã Đắc Tôi) thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp vẫn không thiếu những cơn gió và bầu không khí mát mẻ đặc trưng của vùng Trường Sơn cùng với những nghệ nhân trẻ anh Zơ Râm Vệm, Zơ Râm Niên, Zơ Râm Cường, anh Zơ Râm Vuôn miệt mài bên những tác phẩm điêu khắc.

     Đắc Tôi, là vùng đất ghi dấu đậm nét văn hóa truyền thống nói chung và với nghệ thuật điêu khắc gỗ của đồng bào dân tộc Tà Riềng nói riêng trên huyện vùng biên Nam Giang giáp với nước bạn Lào. Chỉ với rìu, đục và bằng đôi bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng phong phú, những nghệ nhân dân gian thôn Đắc Rích, với nhiều tác phẩm gỗ độc đáo mang đậm nét dân gian không chỉ gắn liền với các lễ hội mà còn là cách để những người đang sống tưởng nhớ lại những kỷ niệm, hình ảnh gắn liền người đã mất trong làng. Những tượng gỗ như sợi dây kết nối, gửi gắm tình cảm của thế hệ con cháu với tổ tiên, giúp họ gìn giữ lối sống sinh hoạt, lao động, sản xuất truyền thống của dân tộc. 

Anh Zơ Râm Vuôn (ngồi giữa cầm đục) đang hoàn thiện tác phẩm điêu khắc của mình. -Ảnh Ban văn hoá xã cung cấp

     Và anh Zơ Râm Vuôn một chàng trai dân tộc Tà Riềng ở thôn Đắc Rích cùng với những nghệ nhân trẻ anh Zơ Râm Vệm, Zơ Râm Niên, Zơ Râm Cường, với nhiều tác phẩm hội hoại, điêu khắc với nhiều bức phù điêu độc đáo như: đi săn, uống rượu cần, đánh cồng chiêng, giã gạo, thổi Đinh Tút, dệt vải. Các bức phù điêu này đều có kích cỡ bằng nhau, rất đẹp mắt, chúng được trau chuốt như tác phẩm hội họa của các họa sĩ đích thực. Điều đó cho thấy, anh Zơ Râm Vuôn và những nghệ nhân điêu khắc dân gian nơi đây đã biết sáng tác theo chủ đề, đề tài, làm hấp dẫn cho người thưởng ngoạn, cho dù đó là tác phẩm trang trí ở Su moong (ngôi nhà làng truyền thống của cộng đồng).

Anh Zơ Râm Vuôn và nghệ nhân trẻ của thôn đang trao đổi về tác phẩm của mình. -Ảnh Ban văn hoá xã cung cấp

    Theo chia sẻ của anh Zơ Râm Vuôn, không giống các dân tộc khác, tạc tượng gỗ gắn liền với đời sống, sinh hoạt hàng ngày, có thể là hình ảnh cha mẹ đi làm rẫy, đàn ông cầm rìu đi rừng, ông già đánh cồng chiêng, ông già cầm giáo, bà già giã gạo, bà già xách nước…Năm nay 48 tuổi, anh Zơ Râm Vuôn đến với nghề điêu khắc từ khi lên 15 tuổi, là nhờ ở những nghệ nhân lớn tuổi trong làng bày vẽ. Theo anh Vuôn, làm nhiều, chế tác nhiều rồi thành quen. Ấy thế, mỗi lần đi rừng săn bắn hay đi khai thác mật ong. Khi bắt gặp một gốc cây hay một khúc gỗ thô, trong đầu anh đã hình dung ra được mình phải đục, đẽo tạo nên như thế nào. Khi mang một gốc gỗ về, mình cũng cần thêm nhiều thời gian để ngắm nghía, hình dung rồi mới mày mò để sáng tác. Làm một bức tượng gỗ đã khó, nhưng để bức tượng đó có hồn, mang ý nghĩa và toát lên nét văn hóa truyền thống của người Tà Riềng mình thì càng khó hơn.

Anh Zơ Râm Vuôn và nghệ nhân trẻ của thôn đang trao đổi về tác phẩm của mình. -Ảnh Ban văn hoá xã cung cấp

    Với anh Zơ Râm Vuôn, một người tạc tượng giỏi không phải làm nhiều tượng mà thể hiện ở sự khéo léo, để mỗi bức tượng toát ra thần thái, ý nghĩa. Bởi vậy, không quá coi trọng và chạy theo số lượng hay thời gian, anh Zơ Râm Vuôn tập trung trí lực vào sáng tác, khắc họa để mỗi bức tượng toát lên được phần hồn. Với thâm niên tạc tượng gỗ hơn 30 năm, nhưng anh Zơ Râm Vuôn cũng phải trăn trở nhiều lắm, bởi mình phải suy nghĩ làm sao để tác phẩm đó thật gần gũi với đời thường, chứ không thể biến khúc gỗ thành một hình tượng không hồn, thì chẳng ai lại bỏ công sức ra mà làm. Từ khi còn nhỏ, anh đã thích tạc tượng gỗ. Mỗi lần người thân trong gia đình hay người làng tạc tượng gỗ, anh Vuôn đều chăm chú ngồi xem.

Các nghệ nhân bên tác phẩm điêu khắc của mình được đi tham gia hội thi tại hội thi liên hoan âm vang cồng chiêng huyện Nam Giang lần thứ lần thứ IV năm 1017

    Anh Zơ Râm Huc –Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Đắc Rích tâm sự: Vì đam mê nên những nghệ nhân trẻ anh Zơ Râm Vệm, Zơ Râm Niên, Zơ Râm Cường, Zơ Râm Vuôn chịu khó học hỏi, luyện tập rồi trở thành người tạc tượng gỗ thuần thục khi tuổi đời còn rất trẻ. Phát huy được năng khiếu của bản thân, thời gian rảnh rỗi, anh Vuôn tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, ngày hội tạc tượng gỗ dân gian do huyện tổ chức. Bên cạnh đó, những nghệ nhân trẻ tham gia các hoạt động văn hoá tại địa phương do xã, huyện tổ chức còn nhiệt tình truyền dạy lại việc tạc tượng gỗ cho các thanh, thiếu niên trong thôn. Việc làm này của các anh là đáng trân trọng, góp phần bảo tồn gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống của người Tà Riềng trong thôn Đắc Rích.

Trại sáng tác điêu khắc dân gian của người Tà Riềng do xã Đắc Tôi tổ chức luôn thu khách đến tham quan, khám phá. -Ảnh Ban văn hoá xã cung cấp

     Đem câu chuyện của anh Zơ Râm Vuôn, là những người con dân tộc Tà Riềng hôm nay tâm huyết gìn giữ nét văn hóa của làng ở thôn Đắc Rích, chúng tôi được anh A Lăng Minh –Phó Chủ tịch UBND xã Đắc Tôi cho biết: Nhiều năm qua, để gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Tà Riềng tại địa phương, cấp uỷ và chính quyền địa phương đã có những chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ, động viên, khuyến khích các nghệ nhân đan lát, dệt thổ cẩm, điêu khắc và anh Zơ Râm Vuôn là một trong những nghệ nhân trẻ cùng với anh Zơ Râm Vệm, Zơ Râm Niên, Zơ Râm Cường đến từ thôn Đắc Rích được xem là thế hệ trẻ tiếp nối văn hóa truyền thống của người Tà Riềng hiện nay. Việc phát huy giá trị nghề dệt thổ cẩm, đan lát và nghệ thuật điêu khắc gỗ của người Tà Riềng nói riêng qua nhiều thế hệ rất quan trọng và cần thiết. Nó sẽ góp phần gìn giữ, bảo tồn vốn văn hóa truyền thống của dân tộc Tà Riềng trước nguy cơ bị mai một./.

                                                                                                                                        Tác giả: Nguyễn Văn Sơn

Thư viện video
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 10
  • Hôm nay: 30
  • Trong tuần: 0
  • Tháng hiện tại: 0
  • Tổng lượt truy cập: 2349