Có dịp về Đắc Tôi, huyện vùng cao Nam Giang (Quảng Nam) thực hiện Dự án 6 "Khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, ghi âm, ghi hình đối với nhạc cụ Đinh tút của đồng bào dân tộc Giẻ-Triêng (nhóm Tà Riềng) trên địa bàn xã Đắc Tôi, huyện Nam Giang năm 2023. Trong cơ may đó, chúng tôi gặp được người đàn ông dân tộc Tà Riềng anh A Lăng Chuẩn (71 tuổi) thôn Đắc Ro, không chỉ am hiểu về văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc mình, mà anh Chuẩn còn đánh chiêng, chế tác nhiều loại nhạc cụ dân tộc giỏi nhất vùng. Đặc biệt, anh Chuẩn luôn nỗ lực truyền lại kiến thức về nhạc cụ Tút cho thế hệ trẻ Tà Riềng trong làng, anh còn làm say lòng người bởi những thanh âm mang đậm hơi thở của núi rừng từ nhạc cụ Tút.
Anh Chuẩn cho chúng tôi biết: Từ khi lên 10 tuổi, tôi đã theo cha và người già trong làng đi biểu diễn vào những dịp lễ mừng lúa mới, đám cưới, bỏ mả... Tối về, khi mọi người đem cồng chiêng và các nhạc cụ ra lau chùi, anh ngồi bên nghe họ phân tích ý nghĩa của từng loại nhạc cụ, trong đó có bộ Tút của dân tộc mình. Lớn hơn, anh được cha hướng dẫn cách đánh chiêng, trống, chế tác bộ Tút rồi đam mê lúc nào không hay. Người Tà Riềng ở xã Đắc Tôi quê tôi không gọi bộ sáo Đinh Tút là Đinh Tút mà thường chỉ gọi là Tút, là ống nứa phát ra âm thanh, giai điệu. Đồng bào từ xưa đến nay đều rất yêu thích ca hát, họ sử dụng nhiều loại nhạc cụ truyền thống trong các hoạt động lễ hội cùng cồng chiêng, sinh hoạt cộng đồng, đám tiệc, vui chơi giải trí cùng nhiều nhạc cụ khác, trong đó Tút luôn được người Tà Riềng xem là người bạn thân thiết, đã gắn bó lâu đời, mật thiết với đồng bào Tà Riềng trên vùng cao này. Bởi Tút dễ dàng được chế tác và sử dụng, âm thanh Tút truyền cảm trong cộng đồng, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của bà con.
Anh A Lăng Chuẩn (71 tuổi) không chỉ am hiểu về văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc mình, mà hiện nay anh Chuẩn còn biết chế tác thổi Tút của dân tộc Tà Riềng giỏi nhất trong thôn Đắc Ro
Vừa hớp ly nước trà mời khách còn nóng, tôi tranh thủ bắt chuyện. Như chạm vào tâm thức, anh Chuẩn tâm sự kể câu chuyện cổ tích của dân tộc mình rằng: Ngày xưa, nhà nọ có một gia đình sinh được 6 chị em. Vì nhà nghèo, lại đông con nên cha mẹ thường đi làm rẫy xa, ở lại trong rừng. Thường thì khoảng từ 3-7 mùa trăng, cha mẹ mới về nhà một lần để đem cho các con những loại vật phẩm săn bắt được như chim, thú, cá...,hay thu hái được như các loại rau rừng. Ở nhà, 6 chị em luôn bị bọn nhà giàu trong làng hắt hủi, xua đuổi. Nhiều đêm nhớ hơi ấm của cha mẹ không ngủ được, mấy chị em ôm nhau than khóc, nhưng cũng bị dân làng bắt phạt và cấm khóc. Thế rồi, vào một đêm khuya nơi núi rừng âm u, dưới mặt đất cạnh bếp nhà sàn nơi 6 chị em vẫn thường quấn chung tấm cây để ngủ trong cái lạnh buốt đến thấu da, thấu thịt, bỗng phát ra tiếng nỉ non của chú dế, nghe thật êm tai. Sẵn có những ống nứa trỉa lúa bị thủng dựng bên góc nhà, người chị cả cầm lên thổi hòa giọng theo tiếng dế để dỗ các em đừng khóc nữa. Âm thanh u u lạ tai phát ra từ chiếc ống nứa lôi kéo được sự chú ý của những đứa em thèm hơi cha mẹ, thấm vào từng gốc cây, ngọn cỏ, lạnh lùng và đơn độc, khiến nỗi buồn thương vơi đi trong chốc lát. Các em không còn khóc nữa. Nhiều lần như thế, 6 chị em bàn nhau vào rừng tìm ống nứa làm sáo. Sáu ống nứa được 6 chị em dùng làn hơi thổi vào, bắt chước tiếng kêu thủ thỉ của dế, thay lời kể lể nỗi mong ngóng với cha mẹ để làm trò vui. Khi thổi, âm vang của sáo da diết, mênh mang buồn như lòng cha mẹ nhớ con, và cũng là nỗi lòng của các con nhớ thương về cha mẹ. Vậy là bộ sáo sáu ống nứa ra đời, nay chính là Tút của người Tà Riềng.
Anh A Lăng Chuẩn (người ngồi từ trái vô), đang hướng dẫn cho thanh niên trong thôn chế tác nhạc cụ Tút.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Tút của người Tà Riềng được làm từ cây nứa, loại cây mọc rất nhiều ở nơi quanh khu vực bà con sinh sống, nhưng không phải cây nứa nào cũng làm được tút đúng kỹ thuật và cho âm hay. Người Tà Riềng thường chọn những cây nứa mọc dọc theo những con khe, con suối lớn, không già lắm mà cũng không non lắm. Cây mọc khoảng 2-3 năm, thẳng, không bị sâu, không bị lủng lỗ thì sẽ chế tác được đinh tút cho âm thanh hay. Địa vực người Tà Riêng sinh sống, thì chỉ loài cây nứa mới có thể chế tác ra được nhạc cụ Tút theo đúng truyền thống ở nơi đây. Người Tà Riềng làm Tút với quy trình khá nguyên sơ, công cụ sản xuất đơn giản. Dụng cụ được dùng trong suốt quá trình làm chỉ là cái rựa dùng để chặt cây nứa từ rừng về rồi dùng con dao nhỏ, sắc bén dùng để cắt vát, chỉnh phần cong ở đầu ống nứa dung để thổi.
Ngồi cùng và theo dõi anh Chuẩn chế tác Tút, anh Chuẩn cho chúng tôi biết thêm: Tút của người Tà Riềng gồm 6 ống dài ngắn và lớn nhỏ khác nhau theo thứ tự từ lớn đến nhỏ và từ dài đến ngắn nhất: Piđu, Rơn 1, Rơn 2, Rơn 3, Chắt, Chê. Mỗi ống có một lóng và được giữ nguyên một mắt, đầu kia rỗng và được vót lõm theo hai bên tạo cho miệng ống nứa có dáng hơi cong để thổi. Trong quá trình chế tác thì nghệ nhân chế tác từ ống nhỏ nhất đến ống lớn nhất. Người Tà Riềng làm Tút không sử dụng thước để đo tỉ lệ các ống mà đo bằng kích thước của tay. Ống nhỏ nhất (Chê) được quy định bằng kích thước của chỏ tay (một thước khoảng 38-41 cm), từ cùi chỏ cho đến đầu ngón tay giữa, từ cùi chỏ đến đầu ngón tay cái. Theo đó, kích thước chính xác của ống nhỏ nhất không quá quan trọng. Việc sai lệch 2-3cm không ảnh hưởng đến âm lượng của bộ Tút. Tuy nhiên, tỉ lệ của các ống Tút còn lại so với ống tút đầu tiên là rất quan trọng. Nó sẽ ảnh hưởng đến âm vực của toàn bộ bộ Tút. Theo đó, ống Tút thứ 2 sẽ dài hơn ống Tút 1 kích thước cố định bằng độ rộng của ngón tay trỏ của nghệ nhân; ống Tút thứ 3 dài hơn ống Tút thứ 2 bằng độ rộng ngón trỏ và ngón giữa của bàn tay người làm; ống Tút thứ 4 dài hơn ống Tút thứ 3 bằng độ rộng 3 ngón trỏ, giữa và ngón nhẫn; ống Tút thứ 5 dài hơn ống tút thứ 4 bằng độ rộng 4 ngón cái, trỏ, giữa, nhẫn và ngón út của bàn tay; ống Tút cuối cùng dài hơn ống thứ 5 bằng độ rộng tại vị trí rộng nhất của bàn tay tính từ ngón cái đến ngón út. Tuy nhiên, nếu kích thước của ống Tút quá ngắn thì các âm sẽ trầm, kích thước bộ nhạc cụ Tút làm quá dài thì âm sẽ quá cao, lúc phối bộ tút sẽ khó trong việc biểu diễn các bài nhạc truyền thống. Bộ Tút sau khi chế tác trên thân của Tút không trang trí hoa văn, ống Tút vẫn giữ nguyên màu xanh của thân cây nứa. Khi thổi Tút được rửa sạch khỏi bụi bẩn và các tạp chất phía trong ống nứa, để sạch sẽ và chuẩn âm khi thổi. Sau khi rửa sạch, Tút được những nghệ nhân sử dụng để thổi luôn.
Anh A Lăng Chuẩn (người ngồi từ trái vô), đang hướng dẫn cho thanh niên trong thôn thổi Tút.
Cũng theo anh Chuẩn, khi thổi Tút, tùy vào sở trường của từng người, mỗi người phụ trách một ống sáo, ngoài ra có thêm hai nghệ nhân hòa điệu cồng chiêng. Tút chỉ dùng cho lễ cúng, đặc biệt là lễ cúng lúa mới, để gọi hồn lúa, đưa đường đón lúa từ nương rẫy về làng. Theo quan niệm của người Tà Riềng, hồn lúa là một cô gái xinh đẹp nhưng rất yếu đuối, lại nhút nhát. Nếu thấy bóng dáng đàn ông, nàng tiên lúa sẽ xấu hổ, bỏ chạy. Nàng bỏ chạy thì sang năm sẽ mất mùa, đói kém nên muốn thổi đinh tút thì đàn ông dân tộc Tà Riềng dứt khoát phải mặc trang phục của phụ nữ. Không một ai nhớ từ bao giờ, chỉ biết là từ rất xa xưa, vai trò thổi Tút của phụ nữ đã chuyển sang cho đàn ông Tà Riềng. Khi diễn tấu Tút, cả sáu người đàn ông dù già hay trẻ đều không được đóng khố mà phải mặc váy đóng giả làm phụ nữ bằng cách dùng một tấm thổ cẩm choàng kín từ vai xuống gót chân, giấu một tay vào bên trong, chỉ thò một tay ra cầm ống Tút để thổi.
Ông Zơ Râm Hượng, người cùng thôn với anh Chuẩn chia sẻ: Anh A Lăng Chuẩn là người đàn ông rất đa tài. Nhờ có anh mà âm thanh của Tút xuất hiện trở lại sau nhiều năm vắng bóng ở thôn Đắc Ro. Anh Chuẩn còn là người chịu khó học hỏi để trở thành nghệ nhân chỉnh chiêng, chế tác nhạc cụ Tút giỏi. Anh Chuẩn còn là một trong những thành viên của đội Tút và cồng chiêng của thôn Đắc Ro do anh làm Trưởng nhóm cùng bà con tham gia nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội do địa phương tổ chức đạt nhiều giải thưởng.
Anh A Lăng Chuẩn (người đứng thứ 2 từ bên phải vô), đang cùng đội văn nghệ của thôn biểu diễn trong sự kiện Ngày thành lập phụ nữ Việt Nam 20/10/2023.
Quả như lời ông Zơ Râm Hượng, hiện nay thôn Đắc Ro việc dạy đánh chiêng, hát dân ca, dân vũ, chế tác và thổi nhạc cụ Tút của người Tà Riềng đã và đang được lớp trẻ trong thôn hào hứng lắm muốn học để biết thổi Tút. Hôm chúng tôi có mặt tại nhà anh Chuẩn, cũng chứng kiến nhiều thanh niên trẻ Tà Riềng trong thôn Đắc Ro như: Anh Zơ Râm Tính; A Lăng Cam; Zơ Râm Tậm; Zơ Râm Biên; và anh A Lăng Tuật đã tìm đến nhà của anh Chuẩn chỉ để được tận tai nghe anh thổi Tút, bày cách chế tác bộ nhạc cụ truyền thống này của người Tà Riềng. Vừa học chế tác, vừa học thổi nhạc cụ Tút, anh Zơ Râm Tậm tâm sự: Nhờ có chú A Lăng Chuẩn, lớp trẻ Tà Riềng trong thôn như em và các bạn cũng được truyền lửa đam mê, theo học thổi nhạc cụ Tút.
Anh A Lăng Chuẩn (người đứng ngoài cùng hàng thứ 2) và đội cồng chiêng, hát dân ca, dân vũ, nhạc cụ Tút thôn Đắc Ro.
Anh A Lăng Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Đắc Tôi cho biết: Trong bối cảnh hiện nay, dù nơi đây là vùng sâu vùng xa, song quá trình đô thị hóa lại diễn ra khá nhanh chóng, đồng thời số lượng người dân Tà Riềng ở vùng đất này biết hát múa và sử dụng nhạc cụ truyền thống không nhiều, các nghệ nhân cao tuổi thưa vắng dần. Ông A Lăng Chuẩn, là một trong những nghệ nhân trong xã còn duy trì chế tác và sử dụng nhạc cụ Tút của dân tộc Tà Riềng. Việc bảo tồn và phát giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trong xã là nhiệm vụ rất quan trọng. Địa phương cũng đã bố trí một phần kinh phí từ ngân sách huyện và từ kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia của Trung ương để mở thêm nhiều lớp dạy nghề, sưu tầm, khôi phục những giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào đã bị mai một. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đồng bào trên địa bàn của địa phương về việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số trong xã nói chung, nhạc cụ Tút của dân tộc Tà Riềng nói riêng. Đồng thời, mở các lớp dạy hướng dẫn truyền nhạc cụ truyền thống cho lớp trẻ./.
Bài và ảnh: Nguyễn Văn Sơn