Những năm gần đây, khi nhu cầu tiếp nhận mặt hàng nông sản ở miền núi bắt đầu tăng lên, nhiều hộ dân vùng cao Nam Giang đã nắm bắt cơ hội đưa sản vật đặc trưng của vùng cung ứng ra thị trường, phục vụ khách hàng.
Những “chợ nông sản”
Dọc theo các tuyến đường giao thông nông thôn lên các xã vùng cao Nam Giang, nơi nào cũng thấy vài tụ điểm bán mặt hàng nông sản của người dân địa phương, từ chuối, dứa, mía… cho đến vài con cá suối, mật ong rừng. Các điểm bán này, nhiều nhất tập trung ở trung tâm xã Chà Vàl và dọc tuyến đường Hồ Chí Minh ngang qua thị trấn Thạnh Mỹ, phục vụ nhu cầu của du khách và người dân địa phương. Tại xã Chà Vàl, hầu hết các tuyến đường dân cư đi vào thôn Cần Đôn, A Bát, A Dinh cũng đều có vài tụ điểm bán lẻ mặt hàng nông sản đặc trưng của đồng bào miền núi, thu hút khách hàng.
Theo chị Alăng Thị Phiếm (ở thôn Cần Đôn, xã Chà Vàl), từ nhu cầu của người mua, vài năm trở lại đây, đồng bào Cơ Tu ở địa phương đã bắt đầu chuyển sang các mô hình trồng chuối, kết hợp với dứa, ớt, gừng và rau rừng trên đất rẫy. Nhiều gia đình, bây giờ trồng hàng trăm gốc chuối, đem lại nguồn thu nhập đáng kể, ổn định cuộc sống. Như đợt hội chợ nông sản được tổ chức mới đây tại sự kiện Lễ hội Văn hóa - thể thao các huyện miền núi lần thứ 19, bên cạnh các gian trưng bày về thổ cẩm, vật dụng đan lát và các mặt hàng ẩm thực truyền thống,… ở hầu hết các gian hàng của đồng bào các dân tộc huyện Nam Giang cũng đều được bày bán đủ đầy sản vật đặc trưng của vùng. Ở mỗi gian trưng bày này, luôn tạo được sức hút cho du khách đến tìm mua làm quà biếu cho người thân, gia đình.
Ông Tơ Đên Sơn - Chủ tịch UBND xã Chà Vàl cho biết, nắm bắt nhu cầu thị trường, những năm gần đây, đồng bào vùng cao đã bắt đầu biết đầu tư cho việc hình thành các “chợ nông sản” đặc trưng theo chuỗi giá trị sản phầm sạch của miền núi. Từ ý tưởng của một vài cá nhân, về sau càng có nhiều người học tập lẫn nhau, đưa sản vật của vùng cung ứng ra thị trường, chủ yếu phục vụ người dân trong vùng và du khách tham quan khu vực biên giới, cửa khẩu. Trong đó, tuyến quốc lộ 14D là một lợi thế giúp người dân tận dụng được cơ hội bày bán các sản vật đặc trưng của mình để nâng cao thu nhập, cũng như góp phần kết nối chuỗi giá trị sản phẩm cho du lịch cộng đồng miền núi. “Cơ hội từ việc hình thành các điểm “chợ nông sản” dọc theo các trục đường, đã giúp người dân chú trọng đầu tư phát triển các mô hình trồng nông sản sạch, như chuối tiêu, gừng, dứa, ớt xiêm... Thay vì chỉ trồng lúa rẫy, trên các vườn đồi bây giờ đã có thêm sản vật để bán cho du khách, góp thêm thu nhập kinh tế cho từng hộ gia đình” - ông Sơn cho biết thêm.
Gắn kết du lịch cộng đồng
Khác với nhiều địa phương miền núi trong tỉnh, Nam Giang được xem có nhiều lợi thế trong phát triển du lịch cộng đồng, nhất là việc gắn kết đưa các chuỗi giá trị sản vật đặc trưng miền núi đến với du khách. Ngoài trục đường Hồ Chí Minh đi qua địa phận dài hơn 10km, các tuyến đường chính dọc theo quốc lộ 14D nối Nam Giang với Đại Lộc, Đà Nẵng và ngược lên tận khu kinh tế cửa khẩu Đắc Tà Oọc. Dọc theo trục đường này, điểm dừng chân được “định vị” đầy hấp lực với hệ thống du lịch thác nước Grăng; làng dệt truyền thống thổ cẩm Cơ Tu Za Ra, với nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng. Đây thực sự là cơ hội để Nam Giang phát triển mạnh về du lịch, trên hành trình gắn kết đưa các sản vật đặc trưng của vùng phục vụ du khách.
Trong chuyến khảo sát thực tế về phát triển du lịch gắn với sản phẩm đặc trưng tại huyện Nam Giang vào cuối tháng 4.2018, sau khi trực tiếp tham quan các mô hình kinh tế du lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã chấp thuận ngay đề xuất mở rộng hỗ trợ phát triển các dự án liên quan đến đầu tư, sản xuất các mặt hàng nông nghiệp sạch tại miền núi. Đồng thời cho đó là một trong những việc “đáng phải làm” để vừa tạo cơ hội quảng bá những sản vật của vùng đến với du khách, vừa góp phần nâng cao cuộc sống cho người dân. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khuyến khích Nam Giang tiếp tục có nhiều sản vật đặc trưng đảm bảo về chất lượng cung ứng ra thị trường, cũng như có hướng chuyển đổi phương thức canh tác hiệu quả, đảm bảo nâng cao giá trị mặt hàng nông sản gắn liền với phát triển kinh tế hộ gia đình.
Để làm tốt dự án này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh, cần có kế hoạch, lộ trình cụ thể nhằm phát triển đồng bộ, tạo nguồn thu nhập cho người dân, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Trong đó, nghiên cứu làm ra chuỗi sản phẩm đa dạng về mẫu mã, có xuất xứ, đảm bảo chất lượng và cần có sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp để sản xuất bền vững. Xem đây là cơ hội phát triển mới về du lịch cộng đồng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết tỉnh sẽ sẵn sàng đối ứng về nguồn tài chính để địa phương và doanh nghiệp thực hiện dự án, liên kết xây dựng các chuỗi sản phẩm đặc trưng, hướng đến xây dựng phát triển khu vực nông nghiệp sạch tại miền núi, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Tác giả: ALĂNG NGƯỚC
Nguồn tin: http://baoquangnam.vn