SUỐI CHA CÓP ĐIỂM ĐẾN CHO NHỮNG NGƯỜI THÍCH KHÁM PHÁ VÙNG BIÊN NAM GIANG

     Chúng tôi vội theo chân Cách cùng chạy trên chiếc xe máy men theo con đường nhựa phẳng phiu dẫn ngược về hướng xã Đắc Pring. Đến cầu Đắc Pre, rẽ phải chạy men theo con đường bê tông khoảng 300m vào cuối thôn 56A của xã Đắc Pre. Và rồi, vẻ đẹp quyến rũ của suối Cha Cóp hiện ra trước sự ngỡ ngàng của tôi lần đầu khi đặt chân đến vùng đất biên cương xa xôi này.

       Từ nơi để xe máy đến chân suối Cha Cóp một quãng đường ngắn, chúng tôi men rừng và có lúc nhảy cóc trên các tảng đá lớn trồi trên dòng nước. Từ dưới chân suối Cha Cóp nhìn lên, các tảng đá màu xanh, to nhẵn nằm xếp với nhau len lõi bên dòng nước trông mềm mại, nhẹ nhàng bởi những làn nước trắng xóa. Xung quanh suối được bao bọc bởi những cây xanh ngát, che khuất cả tầm mắt.

      Theo lời kể của ông Chờ Rum Nhiếr (80 tuổi), dân tộc Tà Riềng ở thôn Đắc Tà Vâng, xã Đắc Tôi cho biết: Tương truyền rằng, xưa vào một năm trời hạn hán kéo dài quanh năm, nguồn nước trên các con sông, dòng suối khô cạn khiến mùa màng thất bát, mọi người dân trong vùng đói khổ. Trước tình cảnh đó; dân làng người Ve, Tà Riềng họp lại và thống nhất cử đám thanh niên khỏe mạnh đi vào rừng săn bắt cho được một con heo rừng có nanh về để tổ chức Lễ cúng cầu mưa (Pa giang đo nhơ đo liêm bo ba dịch) để tế Thần linh cầu xin ban cho mưa thuận gió hòa, lúa bắp tươi tốt. Lễ vật là một con heo rừng to có nanh dài và nhiều vật tế khác như gà trống sống, rượu cần, rượu tà vạt, cá suối, rau, măng, chuột rừng để tế Thần linh. Tất cả các lễ vật được đặt trên một tảng đá lớn nằm giữa dòng suối khô cạn. Khi già làng thực hiện các nghi thức của lễ cúng vừa xong. Bỗng nhiên từ đâu; xuất hiện một con Hổ lớn, có lông màu trắng ngà từ xa lao đến vồ lấy con heo rừng và biến mất vào rừng sâu trước sự ngỡ ngàn của dân làng. Cùng lúc đó, trời đang nắng bổng dưng đổ mưa xuống; dòng suối lại tuôn trào nước chảy mãi ngày đêm không dứt. Người Ve, Tà Riềng rất đỗi vô cùng vui mừng tin rằng, con Hổ màu trắng ngà đó chính là hình tượng của Yàng (Thần linh); đã nghe thấy những lời cầu khấn của họ.

Rất nhiều cảm xúc thích thú khi đến đây khám phá suối Cha Cóp.

       Theo tìm hiểu của chúng tôi, suối Cha Cóp. Theo tiếng Tà Riềng: Cha có nghĩa là ăn, Cóp nghĩa là mất. Cha Cóp, có nghĩa là ăn mất. Về sau, người Ve, Tà Riềng luôn truyền qua bao thế hệ cho nhau về con Hổ màu trắng ngà; con vật linh thiêng luôn che chở, bảo vệ, đem đến ấm no, hạnh phúc cho dân làng. Suối Cha Cóp xuất phát từ đỉnh núi Đắc Choong cao ngất giáp với huyện Đắc Chưng, tỉnh Xê Kông của nước bạn Lào; chảy qua địa phận của hai xã Đắc Pre và Đắc Tôi. Ngoài cái tên suối Cha Cóp, đồng bào dân tộc Ve, Tà Riềng nơi đây và những người ưa khám phá thường gọi là “suối nhiều vũng”; bởi đoạn giữa suối có đến 2 đến 3 vũng nước lớn với độ sâu tầm nữa mét chỉ tầm ngang bụng người đứng, nước trong veo, có thể nhìn rõ từng viên đá nhỏ. Rất thích hợp cho tắm và bơi lội phù hợp với những chuyến du lịch dã ngoại rất đông. Ngay cả trẻ em nhỏ, cũng thường xuyên theo cha mẹ đến đây vào mùa hè, tha hồ tung tăng bơi lội mà không lo bị nước xoáy. Chính sự an toàn này, không chỉ đồng bào Ve, Tà Riềng các xã trong huyện miền núi Nam Giang, thường xuyên lui tới suối Cha Cóp để giải nhiệt vào những ngày cuối tuần, mà khách ở một số vùng phụ cận và cả khách từ thành phố Đà Nẵng, đã đưa con đến đây học bơi trong những ngày hè oi ả.

Đoạn giữa suối có vũng nước lớn với độ sâu tầm nữa mét chỉ tầm ngang bụng người đứng, nước trong veo rất thích hợp cho tắm và bơi lội phù hợp với mọi lứa tuổi; ngay cả trẻ em nhỏ.​.

     Với chúng tôi, lần đầu tiên đặt chân đến đây không quá khó chinh phục như con suối Cha Cóp, đường đến suối Cha Cóp rất dễ đi, chỉ cần di chuyển quãng đường nhựa dài hơn 7 km bằng xe máy hoặc ô tô từ Chà Vàl – Trung tâm cụm xã vùng cao huyện Nam Giang theo trục đường đi xã Đắc Pre vào là có thể tới suối. Mỗi tảng đá bằng phẳng, có thể làm chỗ ngồi cho từng nhóm. Họ đến đây để tận hưởng không khí trong lành của thiên nhiên núi rừng ban tặng cho vùng đất giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Vừa ngắm cảnh; chụp ảnh và tìm hiểu thêm cuộc sống và sinh hoạt của người Ve; Tà Riềng nơi đây.

Du khách thường xuyên lui tới suối Cha Cóp để giải nhiệt vào những ngày cuối tuần.

 

       Theo anh Alăng Cách: Suối Cha Cóp, nơi có dòng nước mát lành quanh năm luôn chảy len lỏi qua những cánh rừng nguyên sinh xanh bạt ngàn, dội qua nhiều vách đá, kéo dài như dải lụa trắng nổi bật giữa núi rừng. Phía dưới chân suối Cha Cóp nguồn nước từ đây chảy qua địa phận người Ve, Tà Riềng sinh sống giúp họ trồng lúa nước, có nguồn nước trong lành sạch sẻ sử dụng sinh hoạt và nấu nướng ăn uống trong gia đình, rồi hòa mình vào con sông Thanh. Tuy còn hoang sơ; nhưng suối Cha Cóp mang vẻ đẹp hiền hòa và yên bình, là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích khám phá, thưởng ngoạn. Mặc dù chưa được đầu tư khai thác, nhưng thời gian qua, suối Cha Cóp đã thu hút rất đông du khách; đặc biệt là giới trẻ thích đi phượt, thì đây là những điểm đến lý tưởng bởi cảnh quan thiên nhiên nơi đây cũng rất hùng vĩ.

Du khách thường xuyên lui tới suối Cha Cóp để giải nhiệt vào những ngày cuối tuần.

 

       Chiều về, người dân gồm người già, phụ nữ, trẻ em, thanh niên sau khi đi rừng, đi làm rẫy về đều ngâm mình dưới suối Cha Cóp này. Cha Cóp là cách gọi cho con suối nơi đồng bào Ve; Tà Riềng sinh sống từ xưa cho đến ngày nay. Đây là dòng suối rất linh thiêng; đã nuôi dưỡng biết bao thế hệ người người Ve; Tà Riềng nơi đây. Anh Alăng Cách trầm ngâm kể thêm.

Du khách thường xuyên lui tới suối Cha Cóp để giải nhiệt vào những ngày cuối tuần.

 

        Trò chuyện với chúng tôi, ông Alăng Minh – Phó Chủ tịch UBND Đắc Tôi cho biết: Để phát triển khu vực suối Cha Cóp thành điểm du lịch cộng đồng, hiện tại, UBND xã Đắc Tôi đã đề nghị UBND huyện Nam Giang quy hoạch khu vực suối Cha Cóp thành địa điểm du lịch gắn với trải nghiệm chinh phục đỉnh núi Đắc Choong. Bên cạnh đó, xã đã chỉ đạo cho thôn mở rộng đường xuống thác, xây dựng vài nhà chòi cho du khách nghỉ chân; xây dựng đội dẫn đường, phục vụ du khách, tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho đội chuyên nấu ăn các món ăn truyền thống dân tộc để du khách có thể trải nghiệm văn hóa ẩm thực và sinh hoạt của  đồng bào Ve, Tà Riềng nơi này. Nếu được quan tâm, phát triển, thu hút đầu tư, trong tương lai gần chắc chắn suối Cha Cóp sẽ trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn mà du khách không thể bỏ qua khi đến huyện vùng biên Nam Giang (Quảng Nam).

Phía dưới chân suối Cha Cóp nguồn nước từ đây chảy qua địa phận người Ve, Tà Riềng sinh sống rồi hòa mình vào con sông Thanh.

       Hành trình chia tay suối Cha Cóp trên đường về lại dưới xuôi, bạn nên ghé thăm bất kỳ nhà bà con đồng bào dân tộc Ve, Tà Riềng nào bên đường một lần cho biết. Những chủ nhân trên vùng cao Đắc Tôi và Đắc Pre đều được tiếp đón rất niềm nở, chân chất. Bên bếp lửa hồng tỏa ấm, thế nào bạn cũng được mời ly rượu tà vạt nồng say để thêm ấm lòng giữa chủ và khách. Được nghe họ kể về những gian khó từ khi người Ve, Tà Riềng đến đây định cư và nếp văn hóa truyền thống trong sinh hoạt cộng đồng và hiểu thêm về bản sắc văn hóa các dân tộc nơi đây./.

                                                                                                          Bài và ảnh: Nguyễn Văn Sơn

                                                                                                                                                                                                  

Thư viện video
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 21
  • Hôm nay: 28
  • Trong tuần: 0
  • Tháng hiện tại: 0
  • Tổng lượt truy cập: 1169