Từ cầu Bến Giằng, huyện lỵ Nam Giang (Quảng Nam), chúng tôi ngược dòng sông Thanh Trên hành trình chiếc xe máy Hon da chạy theo Quốc lộ 14D trên tuyến đường nối lên biên giới Việt – Lào để về xã Đắc Tôi. Con đường dẫn vào thôn Đắc Tà Vâng trở nên gập ghềnh, nhấp nhô sau cơn mưa chiều đầu mùa xuân nặng hạt, khắp các thôn/làng ở xã vùng cao Đắc Tôi lại rộn ràng những thanh âm các nhạc cụ truyền thống được trình diễn trong lễ hội; chúng tôi được nghe âm thanh sáo Tút léh của chàng trai dân tộc Tà Riềng ríu rít, vang xa trong gió...
Dưới mái Su moong (ngôi nhà làng truyền thống đồng bào Tà Riềng); trong hương vị say nồng chếnh choáng của men rượu cần. Chúng tôi chăm chú dõi theo Tơ Ngôl Phúc thổi Tút léh-một loại sáo của tộc người Tà Riềng cho tôi nghe một cảm giác cứ thấy có cái gì đó véo von, dìu dặt, cứ như xoáy vào lòng người, lúc thủ thỉ ân tình, lúc lại như hối hả, thúc giục tạo nên nhiều cung bậc tình cảm được Phúc thể hiện thật tài tình; khéo léo, tinh tế. Rồi Phúc bảo tôi, tuổi thơ của em lớn lên gắn liền với các hình thức sinh hoạt văn hoá của đồng bào dân tộc Tà Riềng khi vừa tròn 12 tuổi. Trong cơ duyên ấy; được nghe tiếng sáo Tút léh véo von của những người già trong làng. Từ thích đến đam mê, em đã được người già bày dạy thổi sáo từ những bản theo làn điệu dân ca truyền thống nên luôn dành niềm đam mê cho nhạc cụ dân tộc mình, trong đó sáo Tút léh, hấp dẫn, mê đắm lòng người.
Tơ Ngôl Phúc với cây sáo Tút léh đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu được trong đời sống dân tộc Tà Riềng xã Đắc Tôi.
Theo tìm hiểu của chúng tôi được biết, tộc người Tà Riềng là nhánh lớn thứ hai của dân tộc Giẻ-Triêng (sau nhánh Giẻ). Người Tà Riềng cư trú hầu hết ở xã La Dê, Đắc Tôi thuộc huyện Nam Giang. Nổi trội về bản sắc văn hóa Tà Riềng là nghề dệt thổ cẩm, nghề rèn và vốn âm nhạc dân gian của người Tà Riềng rất phong phú, đa dạng và độc đáo. Thoạt nhìn cây sáo Tút léh trông có vẻ đơn giản. Tuy nhiên, Tơ Ngôl Phúc nói; để tìm nguyên liệu và tạo được cây sáo Tút léh có âm thanh hay cũng phức tạp và kỳ công lắm. Trước tiên là khâu chọn nguyên liệu để có ống sáo Tút léh như ý, thì đi vào tận trong rừng sâu để tìm những thân cây trúc không được già quá cũng không được non quá, có đường kính vừa phải. Điều quan trọng trúc được chọn phải là một cây trúc nguyên vẹn từ gốc cho đến ngọn, có thân thẳng, thịt dày, mềm dẻo. Khi chặt nứa về, để trong bóng râm từ một đến hai tháng. Khi trúc đã đạt được độ khô lý tưởng, trải qua rất nhiều giai đoạn như: cắt bỏ hai mắt, để rỗng hai đầu đến khoét 1 lỗ hình vuông giữa thân cây sáo Tút léh. Khi hoàn thành một cây sáo Tút léh dài hơn 6 gang tay (khoảng hơn 1 mét), phải mất từ 1 đến 2 ngày.
Là người con Tà Riềng, Tơ Ngôl Phúc (32 tuổi) tự mày mò chế tác sáo Tút léh vào mỗi dịp cuối năm khi Tết đến xuân về hay vào mùa lễ ăn mừng lúa mới của cộng đồng. Vào những đêm trăng sáng hoặc vào ban đêm tiếng sáo Tút léh vang lên trên các triền núi cao nơi cộng đồng quê Phúc sinh sống. Theo dòng chảy thời gian của cuộc sống, những nhạc cụ dân tộc Tà Riềng như sáo Tút léh đã và đang có nguy cơ bị mai một trước dòng nhạc hiện đại. Sinh ra trong một gia đình không có ai theo nghệ thuật song không chỉ đam mê thổi sáo Tút léh. Phúc rất tự hào vì nền văn hóa, âm nhạc truyền thống trên địa bàn ngày càng phát triển, được gìn giữ và phát huy qua từng ngày. Các chàng trai dân tộc Tà Riềng ai cũng biết thổi sáo Tút léh và họ thổi Tút léh ở mọi lúc, mọi nơi có thể. Đó là tiếng sáo bày tỏ niềm tâm sự thầm kín của các chàng trai với người mình yêu thương muốn lấy làm vợ. Tiếng sáo Tút léh là âm thanh quyến rũ nhất của núi rừng, lúc lảnh lót, trong trẻo, lúc trầm ấm nhẹ nhàng. Mỗi giai điệu tựa như lời tâm tình thủ thỉ, giãi bày tâm trạng buồn, vui, yêu thương. Người Tà Riềng rất ngại sự bày tỏ nói thẳng ra miệng chuyện yêu đương, nên thường chỉ giao tiếp âm thanh qua sáo Tút léh. Tuy nhiên, để học và thổi được sáo Tút léh không hề đơn giản. Phúc chia sẻ thêm.
Tiếng sáo Tút léh từ lâu đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu được trong đời sống dân tộc Tà Riềng xã Đắc Tôi. Bây giờ trong lớp trẻ thường ít người biết và quan tâm tới nhạc cụ truyền thống của dân tộc. Tơ Ngôl Phúc còn mong muốn giúp cho nhiều bạn trẻ biết đến sáo Tút léh và lưu giữ lại những âm điệu dân tộc mình thông qua những tiếng sáo mà mình thể hiện tạo nên từ chất liệu thô sơ của núi rừng quê hương, chăm lo bảo tồn văn hóa của dân tộc mình.
Và Tơ Ngôl Phúc với cây sáo Tút léh tại Liên hoan “Âm vang cồng chiêng” huyện Nam Giang lần thứ V - năm 2022
Anh Brônl Trường – Chủ tịch UBND xã Đắc Tôi tâm sự: Hiện nay, Tơ Ngôl Phúc với vai trò là Trưởng ban văn hoá xã Đắc Tôi giữ hồn dân tộc qua cây sáo Tút léh không chỉ là vì tình yêu, tâm huyết mà còn là trách nhiệm với cộng đồng mình, với xã hội và những thế hệ đi sau. Đối với Tơ Ngôl Phúc; cũng tích cực mang tiếng sáo từ thôn/làng đi khắp nơi để phục vụ công chúng tại các sự kiện văn hóa - văn nghệ, tham gia các cuộc thi tìm kiếm tài năng dân tộc của huyện Nam Giang tại Liên hoan “Âm vang cồng chiêng” huyện Nam Giang lần thứ V - năm 2022 và Ngành văn hoá tỉnh tổ chức. Thời gian qua, cấp ủy, địa phương luôn quan tâm với mong muốn bạn bè trong, ngoài tỉnh được thưởng thức âm thanh sáo Tút léh của Tơ Ngôl Phúc một người con dân tộc Tà Riềng ngày một nhiều hơn góp phần vào công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Tà Riềng trên huyện vùng cao Nam Giang (Quảng Nam)./.
Bài và ảnh:Nguyễn Văn Gia Phúc