Hơn 423 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo

 

UBND tỉnh vừa ban hành Đề án Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoan 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh.

Ảnh minh họa.

Theo đó, đối tượng được hỗ trợ nhà ở, gồm: Hộ nghèo, hộ cận nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021- 2025) trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo do UBND cấp xã quản lý, đang cư trú trên địa bàn huyện nghèo và là hộ độc lập có thời gian tách hộ đến khi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (sau đây viết tắt là Chương trình) có hiệu lực thi hành tối thiểu 03 năm. Đối tượng thụ hưởng dự án không bao gồm các hộ đã được hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và các chương trình, đề án, chính sách khác. Đề án được triển khai tại các xã, thị trấn thuộc các huyện nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Nam: Nam Trà My, Bắc Trà My, Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang và Phước Sơn.

Đề án đề ra mục tiêu giai đoạn 2021-2025 hỗ trợ nhà ở cho 8.179 hộ nghèo, hộ cận nghèo (trong đó: Xây mới 5.936 hộ; sửa chữa: 2.243 hộ) trên địa bàn các huyện nghèo có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững.

Thực hiện hỗ trợ nhà ở theo nguyên tắc: Nhà nước hỗ trợ trực tiếp đến từng hộ gia đình để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tự tổ chức xây dựng nhà ở; hộ gia đình được hỗ trợ nhà ở (bao gồm xây dựng mới hoặc sửa chữa, nâng cấp nhà ở), được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai (nếu có yêu cầu). Phấn đấu đến cuối năm 2024, cơ bản hoàn thành xóa nhà tạm trên địa bàn các huyện nghèo) theo Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 31/3/2022 của Tỉnh ủy Quảng Nam về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xóa nhà tạm trên địa bàn tỉnh. Trong giai đoạn 2023-2025, ưu tiên thực hiện hỗ trợ cho các hộ có nhà tạm được thực hiện trong giai đoạn 2023-2024.

Sau khi được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa, nhà ở phải đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30 m2 và tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên; khuyến khích hộ gia đình xây mới hoặc sửa chữa nhà ở có diện tích nhà ở bình quân đầu người từ 8 m2 trở lên…

Tổng số vốn cần để thực hiện Đề án là 423.450 triệu đồng. Trong đó: Vốn ngân sách Trung ương: 282.300 triệu đồng. Vốn ngân sách địa phương: 42.345 triệu đồng. Vốn huy động khác: huy động từ nguồn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và huy động khác (từ cộng đồng, dòng họ và chính bản thân hộ gia đình được hỗ trợ): 98.805 triệu đồng.

Định mức hỗ trợ xây dựng mới: 46 triệu đồng/nhà (hộ), gồm: Ngân sách Trung ương: 40 triệu đồng; Ngân sách tỉnh (10,5%): 4,2 triệu đồng; Ngân sách huyện, xã (4,5%): 1,8 triệu đồng. Định mức hỗ trợ sửa chữa: 23 triệu đồng đồng/nhà (hộ), gồm: ngân sách Trung ương: 20 triệu đồng; Ngân sách tỉnh (10,5%): 2,1 triệu đồng (10,5%); Ngân sách huyện, xã (4,5%): 900 nghìn đồng.  Cùng các nguồn huy động khác.

File đính kèm: Đề án.

Thư viện video
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 10
  • Hôm nay: 29
  • Trong tuần: 0
  • Tháng hiện tại: 0
  • Tổng lượt truy cập: 2348